[Tâm sự du học sinh] Hội nhập và nạn phân biệt chủng tộc
[Góc nhìn du học sinh]
Hội nhập và nạn phân biệt chủng tộc
Hôm nay mới sáng sớm bạn mình đã gửi tin về George Floyd cho mình. Cho các bạn nào chưa biết về George Floyd, các bạn có thể tìm đọc thêm tin tức về anh qua link này: https://bitly.com.vn/DGhCi
Tóm tắt: George Floyd là một thanh niên người da đen tại Minnapolis bang Minnesota ở Mỹ. Ngày 26/05 anh đã bị 4 cảnh sát tấn công và làm nghẹt thở dẫn đến tử vong. Đây là một tội ác về căm thù (hate crime) thể hiện tình trạng phân biệt chủng tộc kinh khủng và nặng nề ở Mỹ.
Vậy nhưng không chỉ ở Mỹ, tại nơi mình học, Anh Quốc, phân biệt chủng tộc cũng là một vấn nạn xảy ra đều đều mà đỉnh điểm là khi dịch Corona tràn đến đất nước có tỉ lệ da trắng chiếm đa số này. Trong thời gian dịch bệnh từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 3 năm 2020, bố mẹ và anh trai mình hai lần gửi những bài báo về việc du học sinh châu Á bị xúc phạm bằng lời lẽ thô tục và bạo hành thể xác đến độ mặt bầm dập, thương tích nặng nề trên người. Hai bạn này đều là nam, một bạn người Thái Lan và một bạn người Singapore. Đọc trên báo như vậy cứ khiến mình nghĩ những chuyện xấu xa, đen tối của xã hội như vậy thật ra là vô cùng xa xôi so với mình. Mặc dù rất sợ và đau lòng khi đọc những trang báo như vậy, mình vẫn không bao giờ nghĩ một ngày mình hay những người xung quanh mình phải trải qua những chuyện đáng sợ như vậy.
Vậy nhưng, mình có một người bạn ở London, vào đợt giữa tháng 3 khi đi chơi ở China Town cũng đã bị tấn công bằng lời lẽ sỉ nhục không thể tha thứ được. Một người đàn ông da trắng khi đi ngang qua bạn mình, lúc đấy đang đeo khẩu trang, đã hét vào mặt bạn mình rằng: ‘Stay away from me you piece of germ’ (Tránh xa tao ra đồ åvi khuẩn). Bạn mình lúc đó dù đi hai người, nhưng đều là con gái, cũng không biết phải phản ứng thế nào, chỉ biết hoảng sợ rồi đi tiếp. Thử tưởng tượng nếu bạn mình cũng nói lại, cũng giận dữ với người đàn ông đó, rất có thể bạn mình đã là nạn nhân thứ 3 được lên báo của hate crime này.
Trước khi đi du học, mình cứ nghĩ trải nghiệm du học của mình sẽ đều là thảm trải hoa hồng. Mình sẽ kết bạn với bạn bè bốn phương, đặc biệt là các bạn người bản xứ để học hỏi thêm cả tiếng anh lẫn văn hoá. Vậy nhưng khi đặt chân đến đất nước xa lạ này, mình mới nhận ra việc giao du với những người khác sắc tộc là một điều không phải ai cũng chào đón ở nước Anh. Không cần đến đỉnh điểm những ngày dịch hoành hành khi virus xuất phát từ châu Á để những người vốn đã phân biệt chủng tộc có cớ để tẩy chay, hà hiếp người châu Á, trong lối sinh hoạt hằng ngày, cũng sẽ có những lúc mình nhận thấy được những ánh mắt e dè, ngại ngùng khi tiếp xúc với các bạn châu Á của các bạn da trắng ở đây.
Tuy nhiên, mình sẽ không nhìn theo hướng phiến diện mà nói rằng, người da trắng ở Anh vô cùng phân biệt chủng tộc, mà mình sẽ lý giải theo một cách khách quan hơn mà nói, khi ở cùng một người đến từ một vùng đất xa lạ, không nói chuẩn tiếng Anh theo ngôn ngữ của họ, bề ngoài không giống như họ, không được nuôi dạy bằng những giá trị giống như họ, sự e dè dường như là điều không thể tránh khỏi. Vậy nhưng từ sự khác biệt ngoại hình là rào cản khiến mọi người ban đầu ngại ngùng với mình, đã có lúc mình tự hỏi nếu như mình sinh ra đã là người da trắng, kể cả khi mình đến từ một vùng đất khác thì liệu ấn tượng đầu tiên của họ về mình có còn là những quy chụp (stereotype) về người châu Á đã khiến họ giữ khoảng cách với mình hay không?
Sự e dè này, khi nằm trên văn cảnh, nghe dường như rất nhẹ, rất cỏn con và chẳng đáng quan tâm. Vậy nhưng ngay cả khi vận dụng hết khả năng ngôn từ của bản thân, mình cũng không thể gột tả hết được sự tủi nhục và bất mãn mỗi khi mình nhận được những ánh nhìn ái ngại hay những cử chỉ xa lánh từ những người nơi này. Có lẽ chỉ khi trải nghiệm qua cảm giác bị phân biệt ngay từ ngoại hình của bản thân, mình mới nhận ra mình dễ bị tấn công (vulnerable) đến dường nào.
Việc hội nhập và vấn nạn phân biệt chủng tộc ở nước ngoài của du học sinh Việt mình ít thấy được đề cập đến. Một phần có lẽ vì những hành vi phân biệt chủng tộc này vô cùng nhỏ nhặt (subtle racism) khiến việc muốn nói đến nó cũng rất khó để thuật lại bằng ngôn ngữ. Đối với subtle racism, chỉ có thể nhận biết được bằng cảm nhận của bản thân, mà thường những thứ như vậy lại mang tính chủ quan rất cao, khiến người muốn chia sẻ cũng lo sợ thông điệp của mình sẽ bị bóp méo hoặc phán xét. Qua một thời gian sống ở nước Anh, mình nhận biết được subtle racism thể hiện qua các hành vi như:
- Cố tình tẩy chay bạn khi chọn thành viên làm việc nhóm (mình chưa gặp trường hợp này vì hầu như môn học của mình làm việc nhóm theo danh sách phân công nhiều hơn là tự nguyện. Nhưng bạn mình kể lớp Business của bạn mình khi xếp nhóm thường các bạn da trắng sẽ lập tức lập nhóm với nhau và các du học sinh sẽ dư ra và tạo thành một nhóm)
- Không tôn trọng ý kiến của bạn khi làm việc nhóm (cái này có thể tuỳ tính người, có nhiều người không tôn trọng ý kiến của bạn vì bản tính của họ tự cao và không giỏi trong việc phối hợp đội nhóm, nhưng nếu ý kiến của ai bạn ấy cũng lắng nghe nhưng đến lượt bạn lên tiếng thì liền chen ngang hoặc gạt phăng đi hoặc không tập trung thì đúng là nó đang phân biệt chủng tộc với bạn rồi)
- Thân thiện, vui vẻ với người da trắng họ tiếp xúc trước bạn nhưng đến bạn thì họ lạnh mặt và khó chịu (thường những người này sẽ làm trong mảng dịch vụ như thu ngân, phục vụ,…, cứ để ý kĩ một chút, bạn sẽ nhận thấy điều này xảy ra khá thường xuyên)
- Họ khó chịu khi bạn không nói tiếng Anh chuẩn bản xứ (đây là một nhóm người thật ra không cần đến lúc bạn mở miệng nói, thái độ của họ cũng đã lồi lõm sẵn rồi, chỉ chờ đến khi bạn không nói sỏi tiếng Anh, lại ngập ngừng không biết rõ sẽ làm gì, thì họ sẽ tiện thể hét vào mặt bạn luôn. Mình từng chứng kiến chuyện này xảy ra với một bạn người Trung Quốc khi mua vé xe bus)
Nhận xét
Đăng nhận xét