[Amateur Psychology] #2: Social media, FOMO and Online Insecurities - Mạng xã hội dưới góc nhìn Tâm lý học

#2: Social media, FOMO and Online Insecurities - Mạng xã hội dưới góc nhìn Tâm lý học

Introduction:

Hello Everyone! Mình là Thư, host của bạn, hiện đang là du học sinh Anh chuyên ngành tâm lý. Chào mừng các bạn đến với Amateur Psychology - Tay mơ học đời bằng tâm lý học. Đây là một series podcast với tiêu chuẩn ngắn gọn, dễ hiểu, sử dụng thông tin trích dẫn từ các nghiên cứu tâm lý học uy tín, học thuật và có căn cứ, thích hợp cho người muốn đọc vị thế giới và bản thân bằng khoa học.


Episode Introduction:

Trong episode lần này, chúng ta sẽ nói về mạng xã hội, FOMO và ảnh hưởng của các sản phẩm của kỉ nguyên công nghệ này lên tâm lý của con người. Vì episode trước mình được bạn mình góp ý là nói như rap, Eminem còn phải tự hào nên episode lần này mình sẽ cố gắng nói chậm lại để mọi người có thể theo dõi dễ hơn nha. Also a little update cho mọi người, mình sẽ ra episode mới vào thứ 3 hàng tuần để có thể tiếp cận được mọi người thường hơn.

Okay okay, nãy giờ hơi lạc đề. Mình sẽ quay lại với chủ đề ngày hôm nay, social media. Cũng hơi buồn cười vì các bạn đang nghe podcast của mình, dù trên spotify hay các kênh podcast khác thì bản thân các app nghe podcast cũng chính là một social media platform - hay một mạng xã hội rồi đó. Tất nhiên ai cũng biết internet là để kết nối mọi người và phổ cập thông tin, kiến thức đến một lượng dân số rất lớn. Vậy nhưng, đôi khi mình cảm thấy rất nhiều khía cạnh trong đời sống, đặc biệt là về mảng tư duy của chúng ta, đang được thống trị bởi mạng xã hội. Từ các tin tức thời sự đến các cập nhật trên trang cá nhân của mỗi người đều ít nhiều hình thành phong cách sống (minimalist hay pinterest girl), hoặc về giá trị đạo đức (chống bắt nạt hoặc là bình đẳng giới),... Bên cạnh những lợi ích về việc mở rộng tầm nhìn cuộc sống khỏi khuôn khổ đời sống offline của mỗi cá nhân/ thì tất nhiên mạng xã hội cũng có những ảnh hưởng đặc biệt tiêu cực đối với sức khoẻ tâm lý của chúng ta/ khi mật độ sử dụng facebook, instagram, snapchat hay twitter vượt quá khả năng kiểm soát bằng lí trí và dần hình thành thói quen vô thức check mạng xã hội mỗi khi rảnh rỗi/ để từ đó xuất phát nhiều hiện tượng tiêu cực trong tâm lý như nghiện mạng xã hội hoặc trạng thái FOMO - hay còn được gọi là hội chứng sợ bỏ lỡ. Trong episode hôm nay, mình sẽ định nghĩa về chứng nghiện mạng xã hội và hội chứng FOMO qua lăng kính của tâm lý học. Đồng thời, nói về những tác hại của nghiện mạng xã hội đã được chứng minh trong các nghiên cứu tâm lý.


Main Content

Context

Các bạn có biết dân số Việt Nam là tầm 90 triệu người, và số người đang sử dụng Internet là 68 triệu người, tức 70% dân số. Trong đó, 65 triệu người đang sử dụng mạng xã hội, tức 67% dân số. Cứ mỗi năm lại tăng lên 6.2 triệu người dùng. Mỗi ngày trung bình một người Việt sẽ dành 6 tiếng rưỡi trên mạng. Những số liệu này phản ánh rất nhiều về mật độ bao phủ của mạng xã hội lên đời sống của người Việt, từ đó hệ quả là chứng nghiện mạng xã hội cũng được hình thành.

Definition

Chứng nghiện mạng xã hội trong tâm lý học được gọi là Social Network Site Addiction, hiện vẫn chưa được APA (Hội tâm lý học Hoa Kỳ) công nhận là một bệnh tâm thần. Andreassen và Pallesen (2014) định nghĩa "Nghiện mạng xã hội là việc bị chi phối quá nhiều bởi mạng xã hội, bị thôi thúc mạnh mẽ để đăng nhập và sử dụng mạng xã hội, dành quá nhiều thời gian và công sức cho mạng xã hội đến mức làm suy giảm các hoạt động giao tiếp xã hội, can thiệp vào việc học tập, làm việc, các mối quan hệ cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ thể chất và tinh thần."

Các triệu chứng của việc nghiện mạng xã hội cũng được hai nhà tâm lý học này xây dựng dựa trên các chứng nghiện khác qua các yếu tố:

  1. Mức độ quan trọng (salience): người nghiện mạng xã hội dành rất nhiều thời gian suy nghĩ về mạng xã hội và tìm cách dành nhiều thời gian nhất có thể cho mạng xã hội.

  2. Sức chịu đựng (tolerance): những người này sẽ dành nhiều thời gian cho mạng xã hội hơn là họ dự tính, luôn luôn cảm thấy bị thúc giục sử dụng mạng xã hội để duy trì sự hưng phấn.

  3. Lệ thuộc cảm xúc (mood modification): họ sử dụng mạng xã hội để xoa dịu cảm giác mặc cảm, lo lắng, bồn chồn, bất lực và trầm cảm, hay nói chung là để quên đi những rắc rối cá nhân

  4. Bị tước mất (withdrawal): khi không thể sử dụng mạng xã hội, người nghiện thường trở nên căng thẳng, lo âu, bồn chồn, bực dọc, khó chịu và cảm thấy tồi tệ

  5. Tái phạm (relapse): tuy không để tâm khi người khác khuyên họ nên giảm thời gian sử dụng mạng xã hội, người nghiện thường tự cố gắng cắt giảm nhưng không bao giờ thành công

  6. Mâu thuẫn (conflict): họ không xem trọng các sở thích, công việc/học tập, hoạt động thể thao và thường bỏ mặc đối tác, gia đình, hoặc bạn bè để chú tâm cho mạng xã hội

  7. Ảnh hưởng tiêu cực (problems): nghiện mạng xã hội sẽ dẫn đến những hệ quả xấu trong sức khoẻ, chất lượng giấc ngủ và các mối quan hệ

Điểm khác nhau giữa người sử dụng mạng xã hội bình thường và người nghiện là người nghiện thường mắc phải những ảnh hưởng xấu như chứng mất ngủ hay mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Người sử dụng mạng xã hội bình thường cũng sử dụng thời gian trên mạng xã hội một cách có mục đích và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, một vài xu hướng tính cách cũng được nghiên cứu cho thấy là có thể liên quan đến khả năng một người có thể dễ nghiện mạng xã hội hay không. Cụ thể hơn, Neuroticism - một xu hướng tính cách thuộc thuyết Big Five chỉ sự bất ổn về mặt cảm xúc, thường thể hiện qua việc một người có thường xuyên trải nghiệm lo âu, trầm cảm hay sợ hãi hay không, cũng được cho thấy là có tính đồng biến với khả năng nghiện mạng xã hội. Tức xu hướng rối loạn cảm xúc của mội người càng cao thì họ càng dễ nghiện mạng xã hội. Tính hướng ngoại (Extroversion) cũng được chứng minh có tính đồng biến với chứng nghiện mạng xã hội. Ngoài ra người có xu hướng tính cách Constiensiousness hay tính nhận thức cao - một xu hướng thường được liên hệ với các tố chất có quy tắc, có định hướng về việc đạt được thành tựu, được cho thấy là có tính nghịch biến với khả năng nghiện mạng xã hội. Tức tính nhận thức của một người càng cao, khả năng nghiện mạng xã hội của người đó càng thấp.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy nghiện mạng xã hội có thể liên quan đến ham muốn được thuộc về, được gắn kết xã hội và cảm giác cô đơn. Từ những nhu cầu không được đáp ứng khiến người ta phải dấn thân quá mức vào mạng xã hội để bù trừ, từ đó dẫn đến sự lệ thuộc.


Consequence

Về hệ quả của việc sử dụng mạng xã hội, bất kể bạn có nghiện mạng xã hội hay không/ thì ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đối với sức khoẻ tâm lý của bạn/ khi cá nhân phải phơi nhiễm trước quá nhiều những hình ảnh hào nhoáng của những người khác/ cũng khó lòng tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực. Nghiên cứu của Chou và Edge (2012) cho thấy người sử dụng Facebook thường xuyên cho rằng những người khác hạnh phúc hơn và thành công hơn mình, đặc biệt khi họ không quen biết người đó ngoài đời thực. Vậy việc người ta hay so sánh cuộc sống offline của mình với cuộc sống online đã được tô vẽ lý tưởng của người khác là vô cùng nguy hại đến sức khoẻ và giá trị cá nhân của mỗi người. Theo thời đại, mạng xã hội cũng trở thành biểu tượng cá nhân và văn hoá về độ thu hút và đáng được thèm khát của một người. Do đó, việc sử dụng mạng xã hội cũng ấp ủ những thói so sánh về lượng theo dõi, cũng như về việc xây dựng hình tượng ảo, từ đó khiến người ta dồn rất nhiều công sức và thời gian vào các nền tảng này.

Nghiên cứu của Donelly và Kuss (2016) cho thấy mật độ sử dụng Instagram nhiều có thể dẫn đến nghiện mạng xã hội, đồng thời làm suy giảm sức khoẻ tâm lý dẫn đến các triệu chứng trầm cảm. Lượng thời gian sử dụng Facebook cũng làm tăng khả năng nghiện mạng xã hội. Tuy nhiên nghiên cứu này không tìm thấy sự liên hệ giữa việc sử dụng Facebook, Snapchat và Twitter với các triệu chứng trầm cảm. Lời giải thích cho sự khác biệt giữa Instagram và các ứng dụng khác có lẽ nằm ở tính hình ảnh cao ở Instagram thu hút được nhiều sự chú ý của người dùng hơn, cũng khiến người dùng dễ dàng tiếp cận với các hình ảnh của những người nổi tiếng, những influencer mà cuộc sống có phần được nhiều đặc quyền hơn. Từ đó, Instagram cũng có nhiều khả năng kích thích bộ máy so sánh trong đầu chúng ta hơn các nền tảng khác. Lý lẽ này có vẻ rất hợp lý khi nghiên cứu cho thấy mật độ sử dụng Twitter được cho thấy là ít ảnh hưởng đến khả năng nghiện mạng xã hội nhất vì đây là một nền tảng phần lớn sử dụng kí tự và ít chú trọng hình ảnh hơn những nền tảng như Instagram, Facebook, Snapchat. Sự thống trị của Instagram ở hiện tại trong thế giới mạng xã hội cũng được giải thích khi nghiên cứu của Song et al. (2004) tìm thấy rằng người dùng mạng xã hội đặc biệt hưng phấn khi có thể tự do xây dựng hình ảnh mạng xã hội của bản thân khác hẳn với con người ngoài đời thực của họ. Sự hưng phấn này tất nhiên cũng dễ xô người dùng dấn thân vào mạng xã hội nhiều hơn.


FOMO - What is it?

Pzrybylski et al. (2013) đã định nghĩa FOMO (Fear of missing out) là một trạng thái tâm lý khi một người cảm thấy lo sợ rằng mọi người trong vòng tròn quan hệ của họ đang sống những cuộc đời thú vị hơn và đáng sống hơn bản thân họ.

Nghiên cứu của Buglass et al. (2017) cho thấy FOMO có liên hệ với mật độ sử dụng Facebook. Người có xu hướng FOMO càng cao thì lượng thời gian sử dụng mạng xã hội càng nhiều. FOMO cũng khiến người dùng cảm thấy mình có nhiều mối quan hệ hơn và thúc đẩy người dùng trở nên cởi mở hơn về việc công khai các thông tin cá nhân trên mạng. Nghiên cứu này cũng cho thấy sử dụng mạng xã hội càng nhiều càng khiến người dùng trở nên dễ bị xâm phạm hơn trên mạng qua các hình thức như bắt nạt trên mạng hay bị theo dõi hoặc quấy rối. Từ đó ảnh hưởng đến tâm lý và gây ra hệ quả là người dùng ngày càng tự ti. Các nhà tâm lý học này đã giả định một loops (một vòng tuần hoàn) từ việc có lòng tự trọng thấp/ dẫn đến gia tăng xu hướng FOMO và thời lượng sử dụng mạng xã hội/ từ đó lại dẫn đến sự suy thoái về sức khoẻ tâm lý/ lại gia tăng lòng tự trọng thấp ở người dùng.

Thí nghiệm của Hunt et al. (2018) lên các sinh viên ở đại học Pennsylvania khi giới hạn thời lượng sử dụng mạng xã hội của các sinh viên này chỉ còn 30 phút một ngày sau 4 tuần cho kết quả cho thấy các triệu chứng trầm cảm và FOMO được giảm đi đáng kể và các sinh viên cũng báo cáo chỉ số cô đơn thấp đi rất nhiều so với những người tham gia không bị giới hạn thời gian.


Ending

Podcast hôm nay cũng đã có phần quá dài rồi nên mình sẽ dừng lại tại đây nhé. Sau ngày hôm nay các bạn đã có thêm rất nhiều kiến thức khoa học về mạng xã hội và ảnh hưởng của nó rồi đó. Mạng xã hội thật sự rất vui, bản thân mình rất thích mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội có tính hình ảnh cao như Tiktok, Instagram,... Và cũng đã có những lúc mình cảm thấy bản thân không thể tránh khỏi việc so sánh cuộc đời thực tầm thường của mình với những hào nhoáng trên mạng về một người có cơ thể đẹp, hay một người khác có những cuộc vui ở villa lớn, mang đồ hiệu, đi xe sang. Để hạn chế những cảm xúc tiêu cực này mình đã không follow những public figure có thể kích thích những suy nghĩ này trong mình nữa. Tất nhiên mình làm vậy là để tốt cho chính mình, để yêu quý mình chứ không phải vì mình ghét bỏ người khác. Các bạn nếu đã có lúc trải qua những cảm xúc này thì mình muốn nói với các bạn rằng, rất rất nhiều người trong chúng ta đang cảm thấy giống bạn, và nếu bạn vẫn đang quá đắm chìm trong những cảm xúc đó thì bạn vẫn có thể yêu quý bản thân bằng cách hạn chế tiếp xúc với những nguồn thông tin có thể kích thích những tiêu cực trong bạn. Chúng ta đều là con người giống nhau mà. Đó cũng là mục đích tâm lý học được sinh ra, để không ai phải cảm thấy mình là cá thể kì cục duy nhất và cô độc hết.


Outtro

Cảm ơn các bạn đã dành thời gian lắng nghe Amateur Psychology. Nếu các bạn yêu thích podcast ngày hôm nay thì hãy follow mình trên ứng dụng bạn đang sử dụng và giới thiệu cho cả bạn bè và người thân cùng lắng nghe nhé. Một lần nữa, mình là Thư, host của các bạn. Chào tạm biệt và chúc các bạn luôn tự bổ sung kiến thức cho mình. Goodbye and stay woke guys!

Reference:

Thông số sử dụng Internet ở Việt Nam: https://vnetwork.vn/news/thong-ke-internet-viet-nam-2020

Online Social Network Site Addiction: A Comprehensive Overview - Andreassen (2015)

Depression among Users of Social Networking Sites (SNSs): The Role of SNS Addiction and Increased Usage - Donelly & Kuss (2016)

No more FOMO: Limiting social media decreases loneliness and depression - Hunt et al. (2018)

Social Comparison, Social Media, and Self-Esteem - Vogel et al. (2014)

Motivators of Online Vulnerability: The Impact of Social Network Site Use and FOMO

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Amateur Psychology] #3: On Anxiety Disorder - Rối loạn lo âu trong Tâm lý học

[Review] Điềm tĩnh và nồng nhiệt - Ekuni Kaori