[Amateur Psychology] #3: On Anxiety Disorder - Rối loạn lo âu trong Tâm lý học

#3: On Anxiety Disorder - Rối loạn lo âu trong Tâm lý học


Introduction:

Hello Everyone! Mình là Thư, host của bạn, hiện đang là du học sinh Anh chuyên ngành tâm lý. Chào mừng các bạn đến với Amateur Psychology - Tay mơ học đời bằng tâm lý học. Đây là một series podcast với tiêu chuẩn ngắn gọn, dễ hiểu, sử dụng thông tin trích dẫn từ các nghiên cứu tâm lý học uy tín, học thuật và có căn cứ, thích hợp cho người muốn đọc vị thế giới và bản thân bằng khoa học.


Episode Introduction:

Đến với episode ngày hôm nay, mình muốn giới thiệu cho các bạn về khái niệm anxiety hay trong tiếng việt mình vẫn hay dùng từ lo âu. Mình cảm thấy ở Việt Nam chúng ta, các triệu chứng tâm lý được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông thường được nhắc đến là những triệu chứng được gọi bằng những danh từ mang ý nghĩa vô cùng đao to búa lớn có tầm vóc nghiêm trọng như trầm cảm, sang chấn tâm lý, stress hay rối loạn cưỡng chế. Khi anxiety được chuyển ngữ thành lo âu, dường như một phần nghiêm trọng của nó đã bị giảm đi đáng kể khi trong ngôn ngữ hằng ngày, chuyện lo âu dường như là điều ai ai cũng phải trải qua, chứ không phải chỉ ám chỉ riêng một phần những người đang phải đối phó với những khó khăn trong tâm lý và cần sự giúp đỡ từ các chuyên gia. Vậy nên trong episode này, mình sẽ tránh dùng từ lo âu cho anxiety và sẽ ám chỉ đến chứng rối loạn lo âu bằng cụm anxiety disorder. Vậy nên nếu hôm nay tiếng việt tiếng anh có lẫn lộn trong episode này thì các bạn cũng hãy thông cảm và hiểu cho lí do của mình nha.


Anxiety defined:

Trước khi nói về chứng rối loạn lo âu hay anxiety disorder, chúng ta sẽ tìm hiểu về cơ cấu hoạt động của anxiety, về sự khác biệt của anxiety với những kích thích cảm xúc khác.

Rachman (2013) định nghĩa anxiety là một cảm xúc bồn chồn chờ đợi một sự đe doạ, mà bản thân sự đe doạ đó lại không thật sự có định dạng, một cảm giác hồi hộp không yên. Đây là một cảm xúc tiêu cực khá gần với sợ hãi mà đôi khi người ta hay nhầm lẫn với nhau. Sợ hãi cũng là một cảm giác bao gồm cả căng thẳng và sự bồn chồn khó chịu, tuy nhiên, hai cảm giác này có thể được phân biệt bởi nguyên nhân, thời gian và cách diễn ra của chúng. Sợ hãi thường được dùng trong trường hợp người trải nghiệm cảm giác này phải đối mặt với nguy hiểm có hình dạng, có thể thấy được (ví dụ như nhìn thấy một con rắn). Phản ứng của sợ hãi thường khá mãnh liệt và mang tính cấp bách. Công tắc báo động trong cơ thể sẽ được kích hoạt. Trong khi đó, anxiety có tính kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng và sẽ giảm đi theo hướng ẩn nấp sau một bức màn vô hình trong tâm lý chúng ta và chờ chực quay lại bất cứ lúc nào. Anxiety có tính khó đoán và không thể kiểm soát. Trong khi sự tăng giảm của cảm giác sợ hãi bị ảnh hưởng bởi không gian và thời gian, thì anxiety thường có thể ập đến bất cứ ở đâu và kéo dài dai dẳng.

Rachman (2013) mô tả anxiety như một cảm xúc luôn hiện hữu trong tâm lý của người bị ảnh hưởng bởi nó, nhưng lại dưới dạng tiềm tàng chứ không hiện hữu rõ rệt, có thể được diễn tả như "Tôi liên tục cảm thấy có một chuyện gì đó vô cùng đáng sợ sắp xảy ra". Cảm xúc này vô cùng khó chịu, phiền phức, dai dẳng và mệt mỏi. Nếu anxiety kéo dài và trở nặng thậm chí có thể mang tính tàn phá và cản trở cho người phải đối diện với nó.


What happens when you have anxiety attack?

Anxiety là một cảm xúc có thể tấn công tâm lý bất cứ lúc nào, đặc biệt như khi cơ thể nhận diện được những mối đe doạ như một tiếng động lớn, một cảnh tượng đáng sợ, một cảm giác rùng mình. Thông tin này sẽ được não tiêu hoá theo hai hướng:

  1. The short cut (đường tắt): đầu tiên, não sẽ nhanh chóng báo động đến đầu não kiểm soát sự sợ hãi là amygdala (hạch hạnh nhân). Ngay khi được kích hoạt, hạch hạnh nhân nhanh chóng gửi tín hiệu này đến tất cả các bộ phận khác của não. Kết quả là cơ thể sẽ phải trải qua những phản ứng kinh điển của sợ hãi: đổ mồ hôi lòng bàn tay, tim đập nhanh, huyết áp tăng cao, và điều tiết ra nhiều adrenaline. Tất cả những cơ chế này xảy ra nhanh trong cơ thể trước khi bất cứ hành động bên ngoài nào của cơ thể bắt kịp nó. Trước khi bạn biết rằng bạn đang sợ hãi thì bạn đã sợ hãi rồi.

  2. The high road (đường dài): đối với đường dài, khi tiếp nhận thông tin từ cơ thể, hạch hạnh nhân sẽ truyền thông tin theo một vòng dài hơn, đầu tiên đến thalamus (đầu não) - nơi tiếp nhận tất cả những thông tin thị giác, sau đó đến vỏ não. Vỏ não sau đó sẽ phân tích những dữ liệu này và đưa ra quyết định xem có nên kích hoạt phản ứng sợ hãi hay không. Nếu có, vỏ não sẽ gửi ngược tín hiệu lại cho amygdala và chuyển cơ thể sang trạng thái báo động.

The body response

Đó là cơ chế của não bộ khi tiếp nhận thông tin kích thích anxiety, giờ thì đến lượt phản ứng của cơ thể khi não đã được lên động cơ. Sau hoạt động của não, hạch hạnh nhân sẽ bắt đầu kích hoạt cơ thể, tạo ra nhiều biến đổi trong các hoạt chất và hooc môn trong não. Lúc này cả cơ thể sẽ bước vào trạng thái anxiety.

  • Tăng hooc môn căng thẳng: để trả lời những tín hiệu từ hypothalamus (hay vùng dưới đồi), (pituiary gland) tuyến yên sẽ tiết ra nhiều hoocmon stress cortisol. Sự quá tải của cortisol trong hippocampus (hồi hải mã) sẽ gây khó khăn trong việc sắp xếp các kí ức thuộc sang chấn hoặc có tính căng thẳng. Hệ quả là kí ức liên quan đến sự kiện này sẽ trở nên rối loạn và rời rạt.
  • Nhịp tim đập nhanh: hệ thần kinh giao cảm - đảm nhận vai trò kiểm soát nhịp đập của tim và hít thở lao vào hoạt động mạnh. Nhịp tim tăng nhanh, huyết áp tăng mạnh và phổi hoạt động quá lực. Mồ hôi đổ nhiều, các mút thần kinh cử động để sẵn sàng cho phản xạ gây ra hiện tượng nổi da gà.
  • Fight, flight or fright (đánh nhau hay bỏ chạy): khi các giác quan rơi vào trạng thái báo động, mọi chi tiết trong thế giới xung quanh đều được thu nạp vào cơ thể để phát giác mọi mối đe doạ tiềm tàng. Adrenaline tăng cao khiến các cơ chuẩn bị cho việc hoặc đối mặt với mối đe doạ hoặc bỏ chạy.
  • Đóng sập hệ tiêu hoá: não dừng suy nghĩ về những điều mang lại cảm giác thoả mãn và tập trung vào các mối nguy hiểm có thể xảy ra. Để chắc chắn rằng không một năng lượng dư thừa nào được dùng cho việc tiêu hoá, cơ thể sẽ cố tình bài trừ tất cả mọi thứ khỏi hệ tiêu hoá gây ra hậu quả là việc ói mửa, tiểu tiện hoặc đánh rắm.

Anxiety Disorder

Theo Anxiety and Depression Association of America, chứng rối loạn lo âu lan toả hay GAD (Generalised Anxiety Disorder) được đặc thù bởi tính dai dẳng và quá độ của những cơn lo âu về nhiều phương diện đa dạng. Người mắc phải GAD nghĩ về tai hoạ và đặc biệt suy nghĩ nhiều về tiền bạc, sức khoẻ, gia đình, công việc và các vấn đề khác. Những người này thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự lo âu của họ. Họ có thể lo lắng thái quá về những một sự việc xảy ra trong thực tế hoặc luôn trông đợi điều tồi tệ nhất sẽ ập đến mà không dựa vào bất cứ nguyên nhân nào.

Barlow (2002) nhận định anxiety disorder là triệu chứng tâm lý ảnh hưởng lớn nhất lên dân số Mỹ. Thống kê của Leon (1995) cũng cho thấy người có anxiety disorder có khả năng bị thất nghiệp gấp 4 lần người bình thường. Theo thống kê (Anxiety and Depression Association of America), 6,8 triệu người Mỹ đang phải trải qua GAD, chiếm 3.1% dân số Mỹ. Phụ nữ có khả năng phải đối mặt với anxiety disorder gấp 2 lần so với nam giới. Khả năng mắc phải anxiety cao nhất là trong giai đoạn tuổi thơ và ở lứa trung niên. Mặc dù nguyên nhân dẫn đến GAD vẫn chưa được xác nhận, nhiều nghiên cứu cho thấy một phần có thể nằm trong tính di truyền, điều kiện gia đình, và các trải nghiệm trong cuộc sống, đặc biệt là những trải nghiệm căng thẳng.


Social anxiety disorder

Một nhánh của anxiety disorder là social anxiety disorder (SAD) hay rối loạn lo âu xã hội cũng rất phổ biến ở những người trải qua anxiety disorder. Theo Barlow (2002), Scheiner & Johnson (1992) và Wittchen & Fehm (2003), hành vi sợ hãi xã hội hay social phobias thường xuất hiện trong độ tuổi 15-25. Đặc biệt đối với những triệu chứng lo âu xã hội như sợ nói trước đám đông, độ phổ biến có thể đến 70% đối với các thanh thiếu niên trong độ tuổi này. Nhiều nghiên cứu cho thấy rối loạn lo âu xã hội vẫn chưa nhận được sự công nhận thích đáng (Stein and Stein, 2008) và là một nguy cơ dẫn đến trầm cảm và nghiện rượu (Wittchen and Fehm, 2003).

Đặc điểm nổi bật của chứng rối loạn lo âu xã hội là nỗi sợ mãnh liệt và dai dẳng về các sự kiện xã hội hoặc các tình huống yêu cầu sự trình diễn. Đối với người bình thường, việc phải tiếp xúc với các yếu tố xã hội này cũng thường kích thích cảm giác anxiety. Tuy nhiên, chỉ khi các triệu chứng anxiety này đặc biệt mạnh mẽ và ảnh hưởng đến sinh hoạt của một người hoặc gây ra stress nặng thì mới được xem là SAD. Trong những trường hợp nghiêm trọng, SAD có thể bít hẳn luôn cả cuộc sống của một người bởi họ không thể giao tiếp với người khác, từ đó luôn né tránh các cơ hội xã hội này.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến social anxiety disorder nằm ở việc người trải nghiệm nó đặc biệt sợ hãi khả năng bị người khác săm soi, từ đó họ trở nên vô cùng lo lắng mình sẽ cư xử không đúng mực, một cách đáng xấu hổ, không thể chấp nhận được và bị đánh giá. Các triệu chứng đi kèm với SAD bao gồm đổ mồ hôi nhiều hoặc run rẩy khi đứng trong đám đông, đỏ mặt, không thể viết hoặc ăn ở nơi công cộng, sự miễn cưỡng hoặc bất lực khi bị buộc phải nói trước đám đông và chứng sợ sân khấu. SAD trở thành nguồn căn của mọi sự lo lắng, kiệt quệ và hổ thẹn đến độ chỉ suy nghĩ về các sự kiện xã hội cũng khiến người đó trở nên vô cùng anxious hay mình sẽ mô tả với từ tiếng việt là bứt rứt lo lắng.

Trong tất cả các trường hợp người mắc SAD sợ hãi nhất, các tình huống phổ biến lần lượt theo thứ tự là: nói trước đám đông, tham gia các buổi tiệc, gặp gỡ hay nói chuyện với những người có cấp bậc cao hơn như giáo viên, sếp hoặc người trong cấp chính quyền. Rối loạn lo âu xã hội cũng được chia làm hai loại: rối loạn lo âu xã hội chung quy (generalised social anxiety) và rối loạn lo âu xã hội đặc thù (specific social anxiety). Lo âu xã hội chung quy thường liên quan đến một vài vấn đề tâm lý khác như trầm cảm. Đối với lo âu xã hội đặc thù, nỗi sợ thường được hình thành từ các sang chấn trong quá khứ và khi các tình huống tương tự xảy ra sẽ kích thích các hình ảnh của ký ức tồi tệ, khiến người trải nghiệm lo âu trở nên hoảng sợ và dẫn đến rối loạn lo âu.


Episode Ending

Episode ngày hôm nay đến đây cũng đã khá dài rồi, mình sẽ dừng lại tại đây nhé. Vậy là sau episode này các bạn đã có thêm rất nhiều kiến thức tâm lý học về anxiety disorder hay rối loạn lo âu rồi đó. Đây là một episode mang tính giáo dục và đem lại thông tin chứ không hề có tác dụng chẩn đoán về rối loạn lo âu. Nếu bạn đang mắc phải nhiều vấn đề về lo âu và những ảnh hưởng của nó đang can thiệp tiêu cực vào cuộc sống của bạn, hãy tham vấn tâm lý ở các tổ chức y khoa đáng tin cậy. Đừng lo sợ rằng những điều này sẽ khiến bạn nhỏ bé hơn, bất bình thường hơn, không toàn vẹn hơn con người thực sự của bạn. Bất kể khó khăn chúng ta đang gặp phải, chúng ta đều là những con người toàn vẹn. Tâm lý học sinh ra chính là để giúp bạn hiểu về mình hơn, để cảm thông và chữa lành, chứ không phải để tìm điểm yếu của bạn mà phán xét. Bạn không một mình đâu! Ngoài ra, nếu bạn biết đến ai đó đang phải trải qua những triệu chứng của anxiety, mình mong episode ngày hôm nay đã phần nào giúp bạn thấu hiểu họ hơn, để yêu thương họ hơn. Cảm ơn các bạn rất nhiều.


Outtro

Cảm ơn các bạn đã dành thời gian lắng nghe Amateur Psychology. Nếu các bạn yêu thích podcast ngày hôm nay thì hãy follow mình trên ứng dụng bạn đang sử dụng và giới thiệu cho cả bạn bè và người thân cùng lắng nghe nhé. Một lần nữa, mình là Thư, host của các bạn. Chào tạm biệt và chúc các bạn luôn tự bổ sung kiến thức cho mình. Goodbye and stay woke guys!

Reference:

Rachman, S. (2013). Anxiety / (3rd ed.). Routledge.

https://adaa.org/about-adaa/press-room/facts-statistics

Diagram from Joe Lertola & Alice Park: https://palousemindfulness.com/docs/anatomy-of-anxiety.pdf


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Amateur Psychology] #2: Social media, FOMO and Online Insecurities - Mạng xã hội dưới góc nhìn Tâm lý học

[Review] Điềm tĩnh và nồng nhiệt - Ekuni Kaori